Cẩm Nang Nội Thất | Kiến thức hữu ích và quan trọng về nội thất nhà ở.

Mâm ngũ quả ngày Tết ở 3 miền khác nhau như thế nào?

Written by Dương Tống | Jan 12, 2021 7:45:06 AM

Mâm ngũ quả có ý nghĩa như thế nào đối với ngày tết cổ truyền của người Việt Nam? Nên bày trí mâm ngũ quả như thế nào cho hài hòa, cân xứng và hợp phong thủy?

Đây là những câu hỏi mà đang được rất nhiều anh/chị quan tâm trong những ngày gần đây. Chính vì thế On Home Asia đã biên soạn ra bộ tài liệu mâm ngũ quả ngày tết.

Anh/chị hãy cùng On Home Asia theo dõi bài viết và tải bộ tài liệu ở cuối bài nhé!

1. Nguồn gốc của mâm ngũ quả ngày tết

Mâm ngũ quả có nguồn gốc từ Phật Giáo

Mâm ngũ quả có nguồn gốc từ đạo Phật và được  nhắc đến trong Kinh Vu Lan Báo Hiếu với câu ”trái cây năm màu”. 5 màu chính là đại diện cho 5 căn bao gồm: Tín Căn (Lòng tin), Tấn Căn (Ý chí kiên trì), Niệm Căn (ghi nhớ), Định Căn (Tâm không loạn), Huệ Căn (Sáng suốt).

Thông qua 5 loại quả, như thể hiện tấm lòng hiếu thảo, đạo lý uống nước nhớ nguồn của con cháu đối với ông bà cha mẹ. 

2. Ý nghĩa của mâm ngũ quả trong ngày tết

Mâm ngũ quả mang nhiều ý nghĩa sâu sắc

Từ lâu mâm ngũ quả đã là một phần không thể thiếu trong trang trí Tết cổ truyền của người Việt Nam. Có thể nói rằng mâm ngũ quả chính là một nét đẹp tín ngưỡng không thể thiếu trong mỗi đô tết đến xuân về của người Việt từ xưa đến nay.

Một mâm ngũ quả đẹp dâng lên bàn thờ không chỉ mang lại không khí tết rộn ràng và tươi vui mà còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh sâu sắc: 

  • Mâm ngũ quả mang ý nghĩa như thể hiện lòng tưởng nhớ, sự biết ơn và tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà tổ tiên và những người đã khuất. 

  • Mâm ngũ quả như chứa đựng bao ước muốn, cầu mong của gia chủ về một năm mới với mọi điều thuận lợi, vạn sự bình an và hanh thông. Nó còn mang ngụ ý sâu sắc rằng: những sản vật này chính là thành quả lao động của con cháu sau một năm làm việc vất vả và khổ cực. 

Theo quan niệm dân gian, số 5 là một con số rất tốt trong phong thủy là đại diện cho sự phát triển bền vững và mạnh mẽ.

Quả đại diện cho vũ trụ, hạt bên trong mỗi loại quả tượng trưng cho các vì sao. Tất cả hòa quyện vào nhau như thể hiện đất trời giao thoa, âm dương hòa hợp, vạn vật đều sinh sôi nảy nở và phát triển. 

Tuy nhiên, tùy vào từng vùng miền mà cách trang trí mâm ngũ quả ngày tết cũng có sự khác biệt. Hãy cùng On Home Asia tìm hiểu xem mâm ngũ quả của ba miền có sự khác nhau như thế nào nhé!

3. Mâm ngũ quả miền Bắc

Mâm ngũ quả của người miền bắc biểu tượng cho ngũ hành phong thủy

Người miền Bắc nổi tiếng với sự kỹ tính, khuôn khổ và chu toàn trong mọi việc. Chính vì thế, các loại quả xuất hiện trong mâm ngũ quả cũng được lựa chọn rất kỹ lưỡng và nguyên tắc trước khi dâng lên trang trí bàn thờ ngày Tết

Từ xa xưa, mâm ngũ quả của người miền Bắc đại diện cho 5 yếu tố ngũ hành phong thủy gồm: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ với ý nghĩa vạn vật dung hòa cùng trời đất. Và những trái cây tượng trưng trưng cho các yếu tố này gồm: chuối, phật thủ, bưởi, lê, hồng, quýt, cam, nho, ớt,....

Người miền Bắc chỉ dùng đĩa hình tròn để đặt hoa quả, bởi theo họ hình tròn tượng trưng cho sự ấm no, trọn vẹn. Vì thế, các loại quả phải được đặt lên đĩa hình tròn và tuyệt đối không dùng đĩa hình khác.

Một điều đặc biệt khác là mâm ngũ quả của người miền Bắc thì số lượng quả là số lẻ không được là số chẵn. 

Cách bày mâm ngũ quả ngày tết ở miền Bắc thường đặt chuối dưới cùng giống như đôi tay bao bọc và che chở vạn vật xung quanh. Ở chính giữa là bưởi căng mọng hoặc quả phật thủ vàng nổi bật và xung quanh là các loại quả chín đỏ. Ở những chỗ trống có thể xen kẽ các loại quả như quýt, ớt. 

Một mâm ngũ quả đẹp phải có đủ màu sắc rực rỡ và được sắp xếp hài hòa và tinh tế.

Ngoài mâm ngũ quả thì hoa chưng Tết cũng là điều mà nhiều anh/chị quan tâm trong những ngày cận năm mới. Nếu anh/chị chưa biết nên chọn hoa nào cho ngày Tết của mình, hãy tham khảo ngay bài viết cắm hoa ngày Tết của On Home Asia đã biên soạn nhé. 

4. Mâm ngũ quả miền Trung

Mâm ngũ quả miền Trung đơn giản chủ yếu có gì cúng nấy

Tết Nguyên Đán được xem là lễ hội lớn nhất trong các ngày Tết Việt Nam vì vậy nhà nào cũng muốn có được một lễ Tết trọn vẹn và đủ đầy nhất. Tuy nhiên, khúc ruột miền Trung với khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi nên trái cây không được đa dạng như miền Bắc và miền Nam. 

Mâm ngũ quả miền Trung không quá câu nệ về hình thức chủ yếu có gì cúng nấy và có tâm thành kính là được. Chính vì thế, mỗi gia đình đều có một mâm ngũ quả riêng biệt.  

Hơn nữa miền Trung nằm giữa nên sẽ có sự giao thoa văn hóa giữa hai miền Nam, Bắc nên các loại trái cây trên mâm ngũ quả có sự pha trộn của cả miền Nam và miền Bắc. 

Mâm ngũ quả của người miền Trung thường xuất hiện các loại quả như: Thanh long, Chuối, Dưa hấu, Mãng cầu, Dứa,... Một số tỉnh miền Trung còn dựng hai cây mía ở bên hai bên bàn thờ với ý nghĩa là gậy cho các cụ về ăn tết cùng con cháu.

Vì không có quy chuẩn nào cho các loại trái cây chưng tết nên cách bày mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Trung cũng không quá cầu kỳ và đơn giản. Mâm ngũ quả đẹp chỉ cần được bày biện sao cho cân đối, hài hòa và vừa mắt là được không cần quá cầu kỳ.

Người miền Trung thường bày mâm ngũ quả với các loại trái cây to, nặng đặt bên dưới và các loại quả nhỏ bày bên trên. 

5. Mâm ngũ quả miền Nam

Mâm ngũ quả miền Nam với ý nghĩa cầu-sung-vừa-đủ-sài

Nếu như mâm ngũ quả của người miền Bắc đại diện cho ngũ hành phong thủy, mâm ngũ quả của người miền Trung đơn giản. Thì mâm ngũ quả của người miền Nam lại mang ý nghĩa Cầu - Sung - Vừa - Đủ - Xài với mong muốn một năm mới sung túc và đủ đầy. 

Mâm ngũ quả của người miền Nam thường có các loại quả như Mãng cầu, Sung, Dừa, Đu đủ, Xoài. Ngoài ra, còn có thêm một số loại trái cây như dứa và một cặp dưa hấu.

Người miền Nam không bao giờ bày các loại quả như ớt, chuối, cam, lê trên mâm ngũ quả. Bởi người ta quan niệm rằng, nếu bày ớt sẽ khiến cho người ta nóng bức, khó chịu dễ gây đổ vỡ. Chuối được đọc gần với “chúi nhủi” công việc làm ăn sẽ gặp thất bại không khá lên được. Cam có nghĩa là cam chịu, lê là lê lết là sự đổ bể. 

Cách trang trí mâm ngũ quả ngày tết của người miền Nam khá đơn giản với các loại quả to và xanh ở dưới và những quả nhỏ và chín bày lên trên. Các loại trái cây xếp chồng lên nhau sao cho giống ngọn tháp là được. Còn cặp dưa hấu sẽ được bày hai bên mâm ngũ quả.

Nếu Tết này, anh/chị chưa biết nên chúc những người thân của mình với câu chúc Tết như thế nào? Hãy tham khảo ngay bài viết những câu chúc Tết hay của On Home Asia nhé!

6. Ý nghĩa của các loại quả xuất hiện trên mâm ngũ quả

Mỗi loại quả trên mâm ngũ quả đều mang một ý nghĩa đặc biệt

Trang trí mâm ngũ quả ngày tết của mỗi miền đều không giống nhau, tuy nhiên mỗi loại trái cây xuất hiện trên mâm ngũ quả đều mang một ý nghĩa tốt đẹp. Hãy cùng On Home Asia tìm hiểu về ý nghĩa của từng loại trái cây bày mâm ngũ quả nhé!

  • Quả chuối: tượng trưng cho con cháu sum vầy, đoàn tụ được bao bọc và che chở trong bàn tay ông bà, cha mẹ.

  • Phật Thủ: đại diện cho bàn tay Phật che chở cho cả gia đình.

  • Quả bưởi: thể hiện mong muốn an khang và thịnh vượng

  • Lê: tượng trưng cho sự thành đạt, mọi việc trơn tru, suôn sẻ và thăng tiến trong công việc 

  • Lựu: nhiều hạt tượng trưng cho con đàn cháu đống

  • Đào: với ý nghĩa là sự thăng tiến

  • Táo: với ý nghĩa là phú quý và giàu sang

  • Thanh long: biểu tượng cho rồng mây hội tụ, mang ý nghĩa phát tài phát lộc

  • Dưa hấu: sự dư giả và giàu sang, màu đỏ dưa đại diện cho sự may mắn

  • Sung: mong muốn một cuộc sống sung sướng, sung mãn, sức khỏe dồi dào

  • Đu đủ: với ý nghĩa đầy đủ và sự thịnh vượng

  • Xoài: cầu mong không bị thiếu thốn

  • Mãng cầu: cầu chúc cho mọi việc được như ý, công việc thuận lợi.

  • Dừa: mọi thứ vừa đủ, không túng thiếu

  • Quả quýt: mang ý nghĩa đại cát, đại lợi

  • Quả cam: tượng trưng cho sự thành đạt 

  • Quả dứa ( quả thơm): đem đến may mắn, thơm tho và sự sung túc cho gia đình.

  • Quả hồng: hồng hào, tươi tốt tượng trưng cho sự thành đạt. 

7. Những lưu ý khi bầy mâm ngũ quả ngày tết

7.1 Không lựa chọn quả quá chín để bày lên mâm ngũ quả

Không nên lựa chọn những loại quả quá chín để bày lên mâm ngũ quả

Nhiều anh/chị thường có thói quen mua trái cây từ rất sớm để bày lên mâm ngũ quả. Trong khi đó mâm ngũ quả thường dâng lên bàn thờ vào đêm 30 tết và để trong vòng 3 - 4 ngày sau đó. 

Vì vậy, anh/chị không nên lựa chọn những quả đã chín đẹp vì để lâu sẽ bị héo và thối, chỉ nên lựa chọn những quả già vừa chín tới.

7.2 Có nên rửa trái cây trước khi bày mâm ngũ quả không?

Các loại trái cây trước khi bày lên mâm ngũ quả không nên rửa quá sạch

Nhiều anh/chị có thói quen rửa sạch bóng các loại quả trước khi bày lên mâm. Tuy nhiên nếu rửa quá sạch sẽ làm cho quả nhanh héo, dễ bị thối ở những chỗ bị đọng nước. Do đó, anh/chị có thể dùng một chiếc khăn ẩm lau sạch sẽ là được.

Với bưởi, anh/chị có thể hòa chút nước vôi và thấm vào khăn rồi lau đều lên quả bưởi để tránh tình trạng vỏ bị ố vàng, mốc xanh. Còn với các loại quả khác như cam, quýt, dưa hấu, xoài,... anh/chị chỉ cần dùng khăn ẩm lau sạch là đươc

Ngày nay, các loại trái cây đa dạng hơn rất nhiều, cho nên việc bầy mâm ngũ quả ngày tết cũng có sự thay đổi. Không còn quá câu nệ và cứng nhắc về hình thức cũng như số loại quả, không nhất thiết 5 quả mà có thể 6, 7 hay 8 quả tùy vào điều kiện mỗi gia đình.

cách bày mâm ngũ quả có sự thay đổi nhưng nó vẫn mang ý nghĩa là thể hiện lòng hiếu thảo và sự tưởng nhớ cả con cháu đối với ông bà tổ tiên đã khuất.

Anh/Chị hãy xem thêm cách sắp xếp nhà cửa ngày Tết để mang đến nhiều may mắn và tài lộc nhé!

Lời kết

Mâm ngũ quả không chỉ là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa Tết của người Việt và nét đẹp này được giữ gìn từ bao đời nay. On Home Asia hy vọng rằng, những ngày tết sắp tới anh/chị sẽ có được một mâm ngũ quả đẹp và ưng ý để dâng lên bàn thờ gia tiên.